Quy trình và điều kiện mở trung tâm ngoại ngữ

Quy trình và điều kiện mở trung tâm ngoại ngữ

Kinh doanh trong lĩnh vực Giáo dục nói chung và lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ nói riêng đang là mảng được nhiều nhà khởi nghiệp cũng như các quỹ đầu tư quan tâm. Nhu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng cao, đòi hỏi sự vượt trội trong việc sử dụng ngoại ngữ, tuy nhiên trình độ phổ cập ngôn ngữ thứ hai tại nước ta vẫn còn hạn chế, đó chính là cơ hội cũng như thách thức để dấn thân vào việc mở trung tâm ngoại ngữ. Để thực hiện việc này, người sáng lập cần phải tuân theo một số điều kiện và quy trình nhất định. Chúng tôi xin giới thiệu một số quy trình và điều kiện cần thiết khi mở trung tâm ngoại ngữ.

Trung tâm ngoại ngữ – mảnh đất màu mỡ thu về hàng nghìn tỷ đồng

Việt Nam đang sở hữu thị trường giáo dục hấp dẫn với dân số gần 100 triệu người, trong đó tốc độ hội nhập nền kinh tế ngày càng cao. Điều đó thể hiện qua việc Việt Nam ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế, ngày càng có nhiều nhà đầu tư không chỉ phương Tây mà còn các khu vực khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Đông… chọn Việt Nam làm điểm dừng. Do đó, nhu cầu học thêm ngoại ngữ thứ hai như tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hoa… ngày càng tăng mạnh, không chỉ giới hạn ở lứa tuổi học sinh – sinh viên mà còn dành cho những người đã đi làm.

Tuy nhiên, trên quy mô toàn quốc, việc tiếp cận ngoại ngữ của người Việt Nam còn khá hạn chế. Năm 2019, Việt Nam xếp thứ 65/100 quốc gia về chỉ số EF English Proficiency Index, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của công ty English First (Thụy Điển). Lỗ hổng năng lực ngoại ngữ còn lớn, không chỉ tiếng Anh mà còn ở nhiều ngôn ngữ khác. Đây cũng chính là cơ hội và thách thức cho những người có ý định thành lập trung tâm ngoại ngữ.

Nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng tăng

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ của nhiều trung tâm ngoại ngữ. Năm 2019, CTCP Quốc tế Anh văn hội Việt Mỹ (VUS) có tốc độ tăng trưởng doanh thu lên đến 23%, đem về 1.747 tỷ đồng. Apollo English có doanh thu năm 2019 đạt 800 tỷ đồng, tăng 28%. Hội đồng Anh (British Council), năm 2019 thu về 442 tỷ đồng doanh thu, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoạn mục nhất chính là sự vượt bậc của Apax English, công ty con của Apax Holdings khi báo cáo doanh thu năm 2019 lên tới 1.482 tỷ đồng, tăng 64%. Riêng YOLA thu về 326 tỷ đồng năm 2019, tăng 27%. Nhìn chung, các trung tâm tiếng Anh tại Việt Nam đều có tốc độ tăng trưởng tốt và báo lãi, đồng thời cho thấy tiềm năng cho mảng này vẫn còn rất lớn.

Điều kiện để thành lập trung tâm ngoại ngữ

Việc mở trung tâm ngoại ngữ phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục tại địa phương. UBND cấp xã/phường/thị trấn tại địa phương nơi lập trung tâm ngoại ngữ sẽ xem xét và phê duyệt dựa trên trình bày về mục tiêu thành lập, chương trình và nội dung đào tạo, mặt bằng, vị trí tọa lạc, cơ sở vật chất, trang hiết bị, tổ chức trung tâm, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.

Sở hữu đội ngũ giáo viên, nhân viên quản lý và vận hành đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm về chuyên môn cũng như kỹ năng làm việc. Cụ thể, giáo viên giảng dạy phải có trình độ tối thiểu Cao đẳng Sư phạm trở lên hoặc có bằng Cao đẳng, Đại học phù hợp với chương trình được phân công giảng dạy đi kèm chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chứng chỉ ngoại ngữ. Đồng thời trung tâm phải đảm bảo tỷ lệ học viên/giáo viên/ca học là 25 học viên/1 giáo viên/ca học theo quy định ban hành.

Về phòng học thì phải có đủ số lượng phòng học cho tổng số học viên đăng ký theo học tại trung tâm. Mỗi phòng học phải đáp ứng tốt về điều kiện ánh sáng, cơ sở vật chất (bàn, ghế, bảng, máy tính, wifi….), diện tích tối thiểu để bảo đảm là 1,5 m2/học viên/ca học. Các phòng chức năng khác phải phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu của các chương trình dạy học.

Phải có đầy đủ giáo trình, tài liệu, các thiết bị phục vụ giảng dạy (máy chiếu, tranh ảnh, laptop, wifi…) tương ứng với chương trình giảng dạy, đồng thời tạo điều kiện tối đa để học viên vừa học lý thuyết, vừa ứng dụng cùng tham gia các hoạt động khác ngoài học tập.

Điều kiện để thành lập trung tâm ngoại ngữ

Tên của trung tâm ngoại ngữ phải đáp ứng nguyên tắc: Trung tâm ngoại ngữ + Tên riêng (ví dụ trung tâm ngoại ngữ VUS), không được trùng với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký kinh doanh trước đó. Từ ngữ trong tên gọi không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Đồng thời trung tâm phải có song song hai phiên bản tên khác nhau: tên giao dịch bằng tiếng Việt, và tên quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương. Giấy tờ, con dấu, biển hiệu trung tâm phải thể hiện thống nhất một tên.

Điều kiện cho giám đốc/người điều hành, quản lý/người đại diện pháp luật trung tâm ngoại ngữ: có lý lịch nhân thân tốt, có năng lực quản lý trung tâm, tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tốt nghiệp đại học tối thiểu, hoặc có chứng chỉ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương, đồng thời có kinh nghiệm trong lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo.

Quy trình mở trung tâm ngoại ngữ

Bước 1: tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện bộ hồ sơ xin thành lập trung tâm ngoại ngữ đến Sở giáo dục và Đào tạo tại nơi mà trung tâm dự kiến mở cửa. Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

  • Một tờ trình đề nghị cấp phép thành lập trung tâm ngoại ngữ
  • Bản sao quyết định thành lập trung tâm do người có thẩm quyền cấp được sao y chứng thực từ bản chính, hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu
  • Nội quy hoạt động giáo dục của trung tâm;
  • Đề án thành lập trung tâm gồm các nội dung: tên trung tâm, loại hình trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm; báo cáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; kế hoạch và tài chính và hoạt động kinh doanh bảo đảm sự phát triển của trung tâm; văn bản chứng minh về quyền sử dụng hợp pháp mặt bằng, tòa nhà mở trung tâm
  • Thông tin sơ yếu lý lịch của Giám đốc/người đại diện pháp luật của trung tâm và danh sách trích ngang của cán bộ quản lý và giáo viên tham gia giảng dạy

Bước 2: Người có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra để phản hồi về việc hồ sơ có phù hợp theo quy định hay không trong 5 ngày làm việc. Với những hồ sơ chưa phù hợp, Sở Giáo dục cần thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho người hoặc tổ chức đi nộp.

Cơ sở vật chất của trung tâm ngoại ngữ

Bước 3: Trong trường hợp hồ sơ đã đúng quy định, Sở giáo dục và Đào tạo tiến hành thẩm định, xem xét và kiểm tra để phê duyệt quyết định thành lập hay không, trong vòng 15 ngày làm việc. Nếu chưa có quyết định hoặc không chấp thuận cho phép hoạt động giáo dục thì cần có văn bản thông báo cho trung tâm nêu rõ lý do.

Bước 4: Cá nhân hay tổ chức nộp giấy tờ sẽ nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở giáo dục và Đào tạo theo thời gian quy định trên giấy hẹn.

Bước 5: Trong vòng 15 ngày tiếp theo, cán bộ nhân viên của Sở giáo dục và Đào tạo để xác minh việc thành lập trung tâm có theo hồ sơ xin phép hay không.

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn khi thành lập trung tâm ngoại ngữ nhé.